Chùa Đất Sét – Ngôi chùa “độc nhất” Việt Nam (2023)

Chùa Đất Sét
Chùa Đất Sét là ngôi chùa rất đặc biệt bởi nơi đây không chỉ nổi tiếng bởi hàng ngàn bức tượng làm bằng đất sét mà còn được du khách biết đến bởi 04 cặp đèn cầy (nến) khổng lồ cháy cả trăm năm không tắt. Hãy cùng Tour Cần Thơ tìm hiểu những nét độc đáo tại ngôi chùa này nhé!
Chùa Đất Sét Sóc Trăng
Du khách ghé thăm Chùa Đất Sét Sóc Trăng (hay còn gọi lại chùa Bửu Sơn). 

Giới thiệu về Chùa Đất Sét

Clip review Chùa Đất Sét Sóc Trăng

Nguồn gốc của chùa Đất Sét

  • Địa chỉ: 163 Ð, Tôn Đức Thắng, Phường 5, Sóc Trăng. Bạn có thể tham khảo bản đồ đường đi đến chùa TẠI ĐÂY.
  • Được xây dựng vào đầu thế kỷ 20, do dòng họ Ngô tự lập để tu tại gia, ban đầu Chùa Đất Sét chỉ là một am nhỏ bằng cây lá trên một diện tích nhỏ hẹp, và trong sảnh điện thờ cũng rất đơn sơ.
  • Đến đời trụ trì thứ tư là ông Ngô Kim Tòng, am nhỏ mới được tôn tạo, mở rộng và có thêm nhiều tượng thờ như ngày nay.

Được biết ngôi chùa được xây từ nguồn kinh phí của gia đình họ Ngô, ngoài ra không nhận sự phát tâm hay hỗ trợ từ bất cứ nguồn nào.

Chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự)
Bàn thờ Đức Phật Thầy Tây An – người sáng lập đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.

Tam Giáo Đồng Nguyên là gì?

Sinh thời ông Ngô Kim Tòng có chủ trương xây dựng chùa là “Tam Giáo Đồng Nguyên” – sự dung hợp giữa Nho giáo, Đạo giáo và Phật giáo, đã tạo nên một nền văn minh Đại Việt rực rỡ và tinh hoa. Vì vậy, trong ngôi chùa Đất Sét các bạn sẽ thấy tượng thờ cả Phật giáo, Đạo Giáo và Nho giáo. Và đó cũng là lí do bên trong chùa du khách sẽ thấy những bức tượng hình đất sét với Phật Thích Ca, Phật A Di Đà cùng với những tượng Ngọc Hoàng Đại Đế, Giao Trì Kim Mẫu hay Lão Tử, Khổng Tử được thờ trong cùng một ngôi chùa.

Kiến Trúc Chùa Đất Sét

Tượng Phật ở chùa Đất Sét
Tượng Phật Quan Âm trước chánh điện
Bước qua cổng tam quan được xây kiên cố, lợp ngói, đi thẳng theo đường bê tông vào cửa bên hông, du khách sẽ thấy chánh điện ngó về hướng Đông. Phần mặt tiền của điện được xây kiến cố bằng vật liệu thời hiện đại, hai cột chính có đắp nổi hình rồng uốn lượn khá tỉnh xảo kết hợp hài hòa với những hoa văn trang trí khác.
Chánh điện chùa Đất Sét
Chánh điện chùa Đất Sét
Trong gian thờ phía trên trần nhà, có treo một chùm đèn gọi là “Lục Long Đăng” cũng bằng chất liệu đất sét, gồm ba chóp đỉnh với 6 con rồng uốn cong như tượng trưng cho lục tỉnh miền Tây Nam bộ, đuôi chụm vào nhau, đầu trổ ra các phía. Thân rồng được làm hoàn toàn bằng đất sét với nhiều chi tiết tinh xảo. Đáy đèn là một tòa sen lặt úp tỏa cánh xuống điện thờ, cánh sen khá mỏng nhưng theo dấu thời gian Lục Long Đăng không hề rơi hay sứt mẽ tí nào. Đây là một kiệt tác nghệ thuật hiếm có và là tác phẩm cuối đời của Ông.
Lục Long Đăng ở chùa Đất Sét
Thiết kế tinh xảo của Lục Long Đăng bên trong chùa

Một trong những tác phẩm nổi bật nhất của ông Ngô Kim Tòng đó là tháp Đa Bảo được làm 1939 lúc ông mới 30 tuổi, cao khoảng 4m được thiết kế hết sức tinh vi. Tháp có 13 tầng, mỗi tầng có 16 cửa, mỗi cửa có một tượng Phật, tổng cộng tháp Đa Bảo có 208 cửa, 208 vị phật và xung quanh tháp có 156 con rồng uốn lượn chuyển mình đang trong tư thế bay vút lên trời cao, hộ pháp cho tháp.

Tháp Đa Bảo chùa Đất Sét
Tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên hoa của chùa là hai hiện vật nhà Phật làm từ đất sét lớn nhất Việt Nam.
Tại Chùa Đất Sét, Bảo Tòa là công trình đặc sắc thứ 2 được xây dựng vào năm 1940, cao khoảng 2m. Trên có hoa sen với 1000 cánh theo hình bát giác, dưới có 16 tiên nữ đứng hầu. Chân tháp tạo hình 4 con vật trong tứ linh (lân, long, quy, phụng) và 12 con cá hóa long đặc sắc, sinh động và đầy ấn tượng. Nhìn tổng thể tòa tháp và đài sen này, du khách sẽ nghĩ ngay đến một nhà điêu khắc tài ba lỗi lạc đã tận dụng giáo lý Phật pháp để sáng tạo ra những pho tượng biết nói ý Phật.
Tượng Phật bên trong chùa Đất Sét
Tượng Phật bên trong chùa
Qua sự sắp xếp các pho tượng thờ: A Di Đà, Di Lặc, Quan Thế Âm, Khổng Tử, Ngọc Hoàng Thượng đế, Lão Tử, Diêu Trì Kim Mẫu, v.v… đã nói lên tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên” (Phật, Nho, Lão) của người lập chùa và các thế hệ truyền thừa. Và cũng vì chùa Đất Sét lập ra để tu tại gia nên chùa không có sư, không nhận tiền công đức của khách thập phương. 
Bên trong chùa Đất Sét
Không gian linh thiêng bên trong chùa Đất Sét

Hiện vật còn lưu giữ tại Chùa Đất Sét (chùa Bửu Sơn)

Bốn đôi nến khổng lồ

Chùa Đất Sét Sóc Trăng không chỉ nổi tiếng bởi hàng ngàn pho tượng làm bằng đất sét, cột chùa cũng được ốp bằng đất sét, mà còn được nhiều người biết đến bởi 4 đôi nến (đèn cầy) cao lớn được đúc năm 1940. Trong đó, có ba đôi mà mỗi cây cao 2,6m, ngang 1m, và được đúc bằng 200 kg sáp. Cặp còn lại nhỏ hơn, và mỗi cây được đúc bằng 100 kg sáp. Tổng cộng là 1,4 tấn sáp.
Nến ở chùa Đất Sét
Cây nến khổng lồ đến nay vẫn còn cháy
Để đúc được nó phải dùng sáp nguyên chất, chặt nhỏ, cho vào chảo nấu lỏng, đổ vào khuôn (dùng tôn lợp nhà cuộn lại). Sau một tháng, nến nguội rồi mới gỡ khuôn ra và trang trí. Hiện nay, hai nến nhỏ vẫn cháy suốt ngày đêm từ khi ông Ngô Kim Tòng qua đời (năm 1970) mà vẫn chưa hết. Phỏng tính bình quân mỗi cây nến cháy suốt ngày đêm phải mất 70-80 năm. Ngoài ra, tại đây còn có 3 cây hương (nhang), mỗi cây cao 1,5 m, nặng 50 kg và hiện chưa được đốt.

Hơn 2000 pho tượng đất sét độc đáo

Ông Ngô Kim Tòng, chùa trụ trì đời thứ tư, một nghệ nhân không qua trường lớp điêu khắc, hội hoạ mà chỉ qua chiêm nghiệm dân gian đã tạo nên những công trình kỳ vật điêu khắc bằng đất sét có giá trị lịch sử tôn giáo vô cùng quý hiếm. Ở đây có trên ngàn tượng pho tượng các vị Phật, Tiên, Thánh, Thần…và linh thú do ông làm ra trong suốt 42 năm (từ 1928 đến 1970) để thờ và trang trí. Tất cả được làm chủ yếu từ đất sét, có pha trộn bột hương (nhang) cùng với keo ô dước để không bị nứt nẻ, và đều được sơn phết tỉ mỉ bằng sơn và dầu bóng.

Tượng thú bên trong chùa
Tượng thú bên trong chùa
Nguyên liệu dùng cho việc nặn tượng chủ yếu bằng đất sét, do Ông Tòng đào từ những cánh đồng cách chùa vài cây số, đem về phơi khô, rồi bỏ vào cối dùng chày giã nhuyễn cho mịn ra, lọc hết tạp chất, rễ cây, rễ cỏ, lấy đất mịn trộn cùng mạc cưa làm nhang (bột hương) và keo ô dước tạo thành một hỗn hợp dẻo thơm. 
Tượng đặt ở lối đi trong chùa Đất Sét
Tượng đặt ở lối đi trong chùa Đất Sét
Không chỉ có đôi tay khéo léo, tài hoa mà với tư duy tưởng tượng vô cùng phong phú của ông hàng trăm bức tượng lớn, nhỏ được hình thành mà không trùng lắp. Mỗi tượng một vẻ, thể hiện rõ cái thần sắc trên từng khuôn mặt. Đó còn là kết quả từ cái tâm của người có lòng hướng Phật, sự miệt mài cần mẫn, lặng lẽ nhưng mang lại vị ngọt cho đời.

Nguồn tham khảo: https://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%C3%B9a_%C4%90%E1%BA%A5t_S%C3%A9t

Đánh giá ngay
Chia sẻ:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *